Dự báo thừa 3 triệu tấn
Hiện nay, cả nước có 462 DN sản xuất thép, tăng gần 6 lần so với năm 2000 với tổng năng lực sản xuất mỗi năm 2,13 triệu tấn gang, 7,54 triệu tấn phôi thép, 10,875 triệu tấn thép dài, 3,35 triệu tấn thép dẹt, 2,188 triệu tấn thép ống, hộp, 2,487 triệu tấn tôn mạ. Công suất thép xây dựng cả nước đã lên đến 9 triệu tấn trong khi tiêu thụ cả nước trong năm 2012 dự kiến chỉ đạt gần 6 triệu tấn/năm. Đối với thép cán nguội, công suất lên đến gần 3,6 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ chỉ khoảng 1,7 triệu tấn/năm… Theo báo cáo mới nhất về tình hình hoạt động của ngành thép trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2012 của Bộ Công Thương thì do chịu tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu nên thị trường tiêu thụ thép bị thu hẹp bởi nhiều nước thực thi chính sách kinh tế kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, giảm nợ công. Trong khi đó, trước tình trạng nền kinh tế còn biến chuyển chậm trong những tháng đầu năm nay, thì có nhiều ý kiến cho rằng ngành thép Việt Nam năm 2012 vẫn chưa có khả năng phục hồi, và đây cũng là nhận định mà Hiệp hội thép đã từng đưa ra. Vậy khó khăn của ngành thép, DN sản xuất thép sẽ giải quyết như thế nào? Bộ Công Thương cho biết, với những khó khăn trên, ngành thép cần có những chính sách và giải pháp cụ thể cũng như chiến lược phát triển đúng đắn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu nhằm giúp các DN trong ngành tránh được các rủi ro trong đầu tư thời gian tới.
Còn đó 32 dự án ngoài quy hoạch
Thừa cung đang là khó khăn khiến các DN sản xuất thép trong nước không khỏi đau đầu và đang đối mặt. Có thể nói, đây là vấn đề tất yếu của quá trình đầu tư không bài bản, không bám vào trục phát triển chuẩn theo tín hiệu thị trường. Khi cung vượt xa cầu, tất yếu dẫn đến cạnh tranh bán gay gắt (tất nhiên người tiêu dùng có thể hưởng lợi). Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn ở đây là sự lành mạnh và tiềm năng phát triển của một ngành công nghiệp nền tảng bị đe dọa. DN thép đương đầu với rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình vận doanh từ nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất và tiêu thụ. Chi phí lớn, giá thành cao tất yếu suy giảm khả năng cạnh tranh về giá. Đó là chưa kể đến sự vượt trội về chất lượng sản phẩm của các DN FDI.
Trước những vấn đề đặt ra cho ngành thép, TS Hồ Lê Nghĩa - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định: Đã có nhiều quan điểm cho rằng, nếu đầu tư tốt với quy mô đủ lớn, chúng ta sẽ hướng đến xuất khẩu các sản phẩm thép cao cấp. Tôi không bình luận tính đúng sai của quan điểm này, cũng có thể nó đúng trong tương lai xa, song tôi cho rằng cần thực tiễn hơn với hoàn cảnh phát triển của nền kinh tế Việt Nam và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta khó phát triển một ngành công nghiệp thép một cách chủ quan như là Hàn Quốc những năm 60 của thế kỷ trước. Sản phẩm thép của Việt Nam sẽ vô cùng khó cạnh tranh với sản phẩm thép của các nước đi trước trên thị trường quốc tế. Như vậy, khó khăn đã rõ, cạnh tranh trong nước gay gắt, năng lực các DN nội địa hạn chế, thị trường nước ngoài khó tiếp cận.
Việc lập quy hoạch cho một ngành công nghiệp đã khó, việc thực hiện theo quy hoạch lại càng khó. Đối với các bản quy hoạch “mềm”, thường sẽ có các bước điều chỉnh khi cần thiết, nhưng ngành công nghiệp thép lại không phải như vậy, chưa kịp điều chỉnh thì nó đã bị “phá vỡ” bởi các địa phương. Đến nay, ngành thép có khoảng 32 dự án được các địa phương cấp phép nằm ngoài quy hoạch. Đây được coi là nguyên nhân lõi của cuộc khủng hoảng ngành thép hiện nay. Bởi theo phân tích của ông Nghĩa có hai nội hàm sau: Thứ nhất, đó là sự phá vỡ về mặt kỹ thuật. Thời gian qua, một số công nghệ từ Trung Quốc đã không còn được sử dụng nhưng lại được DN Việt Nam ở các địa phương nhập về. Thứ hai là sự phá vỡ về cấu trúc kinh tế-xã hội. Trước hết, nó thể hiện ở quan hệ cung-cầu nội địa và định hướng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các nước đã từng thực hiện chiến lược này ở những thời kỳ xa xưa như Hàn Quốc, khi cam kết hội nhập chưa bị ràng buộc. Do vậy, nếu có sự ràng buộc kỹ thuật (không nhập lò quy mô công suất nhỏ) thì quy mô cấu trúc kinh tế-xã hội không bị phá vỡ, nếu không cấp phép những dự án nhỏ (xuất phát từ nhu cầu “muốn cất cánh” của các địa phương) thì không dẫn tới việc đầu tư ồ ạt.
Trước vấn đề này, ông Nghĩa cho biết: Đã đến lúc cần rà soát lại và phát triển ngành thép theo hướng đáp ứng đủ và kịp thời về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế, đảm bảo bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu thép, cân đối đầu tư vào các sản phẩm, từng bước xuất khẩu tạo nguồn ngoại tệ. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng các mục tiêu, danh mục có tính “quy hoạch cứng” đối với hệ thống sản xuất, vốn đầu tư, công suất, quy mô, thị trường và phương thức phân phối từng mặt hàng cụ thể như gang, sắt xốp, phôi thép, thép thành phẩm…
Trung Quốc hiện nay có quy định lò điện phải trên 50 tấn/mẻ, với lò cao, quy định phải trên 1.000 m3 trở lên mới được xây dựng mới. Các DN Việt Nam lại nhập loại lò chỉ có công suất 20 - 30 tấn/mẻ và loại lò cao công suất 200-300m3. Những loại lò này giá rất rẻ, hợp túi tiền nhưng các DN quên mất tính hiệu quả của việc đầu tư lò lớn sẽ tiết kiệm được chi phí và bảo vệ môi trường hơn. Một bất hợp lý nữa là hiện nay có khá nhiều DN đầu tư vào loại lò cao nhưng lại xây dựng không gần biển để thuận tiện cho việc vận chuyển mà đầu tư vào các nhà máy ở vùng cao với trữ lượng mỏ chỉ đủ dùng trong khoảng 20 năm. Khi xây dựng các lò cao phải tính đến nguồn cung cấp đủ đáp ứng trong 30 - 50 năm mới có hiệu quả. Điều này cho thấy, DN đầu tư còn mang tính “chộp giật”, chưa tính đến bài toán lâu dài.
Theo: Báo xây dựng